Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận

LỜI NÓI ĐẦU

Nói đến tư tưởng Phật giáo Ấn Độ là nói đến 3 thời kỳ mang tư tưởng khác nhau của Phật giáo Ấn Độ, được phát triển theo trật tự từ Nguyên thủy đến Bộ phái, từ Bộ phái đến Đại thừa. Điều đó nói lên hai vấn đề quan trọng: 1. Tư tưởng Phật giáo Ấn Độ không phải chỉ có Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Đại thừa mà bao gồm 3 thời kỳ tư tưởng khác nhau; 2. Quá trình phát triển tư tưởng Phật giáo bắt nguồn từ Nguyên thủy đến Bộ phái, rồi từ Bộ phái đến Đại thừa. Do vậy, việc tìm hiểu tư tưởng Phật giáo Ấn Độ cần chú ý đến quá trình phát triển của nó, trong đó Phật giáo Bộ phái mang tính gạch nối, kế thừa cái trước làm nền tảng cho cái sau xuất hiện. Việc tìm hiểu quá trình phát triển tư tưởng Phật giáo Ấn Độ. Những tác phẩm như: “Dị Bộ Tông Luân Luận” của Thế Hữu trong Hán tạng; “Dị Bộ Tông Tinh Thích” của Bạt-tì-da (Bhavya) hay “Dị Bộ Thuyết Tập” của Điều Phục Thiên (Vinītadeva) trong Tạng ngữ; “Kathāvatthu” trong Pāli tạng, là những tác phẩm cơ bản giúp chúng ta tìm hiểu quá trình phát triển tư tưởng Phật giáo Ấn Độ.

Bản “Dịch Chú Và Đối Chiếu Các Bản Khác Nhau Về Dị Bộ Tông Luân Luận” mà độc giả đang cầm trên tay là bản tập hợp các dịch bản khác nhau trong nguồn tư liệu Hán tạng và Tây tạng, với nội dung cùng trình bày về quá trình phân chia và tư tưởng khác nhau của các bộ phái Phật giáo ở Ấn Độ, đã được dịch sang tiếng Việt. Trong đó, đặc biệt bản dịch của Huyền Trang tôi thêm phần chú thích, để người đọc dễ hiểu hơn. Hai bản: “Dị Bộ Tông Tinh Thích” của Bạt-tì-da (Bhavya) và “Dị Bộ Thuyết Tập” của Điều Phục Thiên (Vinītadeva), do Giáo sư Nguyên Hồng chuyển ngữ từ tiếng Nhật sang tiếng Việt. Riêng bản dịch bằng tiếng Tây Tạng với tên “gShun-Lugs-kyi Bye-BragbKod-pahi hKhor-Lo” (Dị Tông Nghĩa Tập Luân Luận) của Thế Hữu (Vasumitra), vẫn chưa tìm được người chuyển ngữ. Lần tái bản này có chỉ chỉnh sửa một vài chỗ. Mặc dù đã cố gắng phiên dịch và chú thích cho thật tốt, tuy nhiên khả năng giới hạn, do vậy có lẽ khó tránh khỏi sự sơ xuất, rất mong được nhận sự góp ý từ độc giả, để lần tái bản kế tiếp được tốt hơn.

Thích Hạnh Bình Tuệ Chủng, ngày 26 tháng 3 năm 2016

Related posts

Cốt lõi Kinh Trường A Hàm

Cốt lõi Kinh Trung A Hàm

Cốt lõi Kinh Tạp A Hàm