Sáng nay dịch một đoạn trong tác phẩm “Lịch sử Phật giáo Ấn Độ” của học giả người Nhật tên Hirakawa Akira. Ông phân tích về tính duyên khởi của con người, thầy thấy hay hay nên chia sẻ cùng mọi người cùng suy gẫm nhé.
Về mặt thời gian, sự quan hệ của các pháp vốn không phải là sự quan hệ đơn thuần, mang tính đường thẳng, ví dụ như đề cập đến sinh mệnh của chính mình. Nếu đứng từ phương diện di truyền học thì sinh mạng của mình có liên hệ gen của cha mẹ mà sinh mệnh của cha mẹ lại có liên hệ đến gen của 4 người ông bà nội ngoại, sinh mệnh của 4 vị ông bà nội ngoại lại liên hệ đến gen của 8 vị cha mẹ của các vị ấy, cứ như thế truy nguyên đến con số 16, rồi 32, rồi đến 64… cho đến vô cùng. Đem công thức di truyền gen này để suy gẫm, cho thấy sự hình thành sinh mệnh của chính mình được kết hợp bởi vô số sinh mệnh của cha mẹ ông bà tổ tiên trong quá khứ. Như vậy, cái gọi là sinh mệnh của chính mình, cái ấy đứng về di truyền học thì nó hàm chứa ý nghĩa biến khắp cả không gian và tồn tại vĩnh hằng khắp cả thời gian. Như vậy, đó là ý nghĩa pháp tánh. Duyên khởi có chức năng hình thành sự tồn tại gọi đó là ‘pháp’. Lý do mà tôi thảo luận vấn đề này chính là điểm này. Mối quan hệ về không gian của một pháp có thể nói là như thế, từ đó cho thấy, sự tồn tại của thế giới này là sự tương quan tương duyên, vốn là một thế giới duyên khởi, có thể nói là một thế giới liên tục chưa bao giờ có sự chấm dứt.