Home Nhà sách Phật Giáo Khái luận lịch sử Phật Giáo Ấn Độ

Khái luận lịch sử Phật Giáo Ấn Độ

by admin_thb

Thời gian hưng thạnh Phật giáo ở Ấn Độ cũng là thời gian bắt đầu của lịch sử mỹ thuật ứng dụng vật liệu bền, về phương diện kiến trúc, vật liệu được sử dụng là đá và ngói nung, điêu khắc chủ yếu sử dụng đá, không thấy lưu lại vật dụng nào làm bằng gỗ. Về hội họa, chỉ còn lưu lại vài bức bích họa ở các tự viện trong hang đá. Do Phật giáo bị các tín đồ Hồi giáo phá hoại, cho nên đa số các tác phẩm mỹ thuật Phật giáo được tìm thấy đều từ việc khai quật. Muốn xác định niên đại chế tạo những di vật này thật là khó khăn, vì Ấn Độ là một nước không có khái niệm về lịch sử.

Sự phân chia về lịch sử mỹ thuật Phật giáo Ấn Độ, có thể chia thành 4 giai đoạn: 1. Thời kỳ cổ đại từ thế kỷ V trước Tây lịch đến thế kỷ I Tây lịch; 2. Thời kỳ Quý Sương từ thế kỷ I đến thế kỷ V Tây lịch; 3. Thời kỳ Cấp Đa từ thế kỷ IV đến thế kỷ VII; 4. Thời kỳ Mật giáo từ thế kỷ VII đến thế kỷ XII. Thời kỳ cổ đại tức là thời kỳ không có tượng Phật, chỉ thấy có rất nhiều tháp thờ Phật ở thời kỳ này. Thời kỳ Quý Sương lấy 3 nơi Kiên-đà-la, Mạt-thổ-la và Án-đạt-la làm trung tâm hoạt động mỹ thuật, đây là thời kỳ đặc biệt đã chế tạo tượng Phật, ở thời Cấp Đa, về mỹ thuật rất phát triển, theo đó sự phục hưng văn hóa Ấn Độ, các tác phẩm mỹ thuật Phật giáo chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ. Cuối cùng là thời kỳ Mật giáo, theo chiều hướng Phật giáo hòa nhập vào Ấn Độ giáo, mỹ thuật Phật giáo dần dần cũng bị đồng hóa bởi mỹ thuật Ấn Độ giáo, có thể nói trên cơ bản khó phân biệt sắc thái đặc thù giữa hai nền mỹ thuật này, đó chính là yếu tố hình thành mỹ thuật Mật giáo mang tính đặc thù.

Mỹ thuật Phật giáo ở thời kỳ cổ đại, chủ yếu là các tháp thờ Phật và các trụ đá của vua A Dục. Tương truyền vào thời đức Phật còn tại thế, tinh xá Kỳ Viên, tinh xá Trúc Lâm nổi tiếng đã được xây dựng, sau khi Phật nhập diệt không bao lâu, tín đồ Phật giáo ở các nơi chia nhau xá lợi của Phật, xây tháp thờ phụng cúng dường, sự kiện này được hậu thế công nhận là có thật, ngoài ra các trụ đá do vua A Dục xây dựng, nó còn tồn tại đến ngày nay, có thể nói đây là di vật cổ nhất của mỹ thuật Phật giáo. Về mặt hình thức cũng như kỹ thuật, những trụ đá này chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nước Ba Tư thuộc phương Tây. Trụ đá sử dụng sa nham được làm từ Chunār để mài thành trụ tròn, tổng cộng có hơn 30 trụ, dài tới 10 mét, đầu của các trụ đá đều có điêu khắc hình thú để trang trí như sư tử, trâu, voi, những hình điêu khắc này rõ ràng chịu ảnh hưởng nghệ thuật điêu khắc của phương Tây. Trong đó, trụ đá có điêu khắc hình sư tử ở vườn Lộc Uyển là tác phẩm ưu tú nổi tiếng nhất.

Tháp, vốn là ngôi mộ để an táng người chết, lúc ban đầu có hình dạng giống như một đống đất được chất cao lên, về sau dần dần phát triển thành phía dưới được xây tường, trên chóp là một hình vuông bằng phẳng hay hình dạng cái dù. Trong số các tháp thờ Phật còn tồn tại đến ngày nay, cổ nhất là tháp Bhārhut, tháp này thật ra đã bị hủy hoại hoàn toàn, chỉ còn một phần lan can và cửa tháp. Phù điêu được điêu khắc trên bề mặt lan can chủ yếu dựa vào Phật truyện hay bổn sanh truyện làm chủ đề tương đối nhiều. Đây là di vật cổ nhất có chủ đề Phật giáo. Trong các bức tranh của truyện Phật, đặc biệt cần được chú ý là không tìm thấy điêu khắc hình tượng Phật. Đây là nguyên tắc chung được áp dụng triệt để cho nghệ thuật điêu khắc ở các vùng Sơn Kỳ và Amarāvatī thuộc Bhārhut luôn được bảo tồn. Một đặc trưng của thời kỳ cổ đại là sự thần cách hóa, xem đức Phật là một vị siêu nhân cách, khi bị thần thánh hóa, cho nên cố ý tránh lấy hình tượng con người để mô tả đức Phật. Điển hình cụ thể là tháp Phật ở Sơn Kỳ vùng trung tâm của đại tháp này có rất nhiều di tích Phật giáo, những di tích này đều thuộc thế kỷ I và II trước Tây lịch, tức trước thời kỳ vương triều Sa-đa-bà-ha của vương quốc Án-đạt-la. Tháp Phật được xây dựng bằng vật liệu ngói và đá khối, chung quanh được bao bọc bởi lan can, bốn bên đều có cửa ra vào. Tháp này còn có phòng ốc cho những người chiêm bái và những Tỳ kheo trong thời gian lưu trú ở đây, tuy nhiên những phòng ốc này làm bằng gỗ, cho nên hiện giờ không còn. Thật ra hình thức Tăng viện lấy tháp Phật làm trung tâm vốn kế thừa cách xây dựng các tự viện trong hang đá, do vậy còn có thể tái tạo hình dạng ban đầu của nó. Các tác phẩm điêu khắc ở cửa tháp và lan can của đại tháp Sơn Kỳ cho thấy, từ thời vua A Dục cho đến nay, những nghệ thuật điêu khắc của phương Tây khi du nhập đến Ấn Độ đều biến thành kỹ thuật Ấn Độ, có thể nói trình độ mỹ thuật Phật giáo thời kỳ cổ đại ở tại Sơn Kỳ đã đạt đến đỉnh điểm. Chủ đề của các tác phẩm điêu khắc giống với Bhārhut, trong đó điêu khắc truyện Phật và truyện bổn sanh tương đối nhiều, ngoài ra còn trang trí rất nhiều hình dáng hoa văn.

Nghệ thuật điêu khắc tượng Phật, thông thường cho là bắt đầu từ thời kỳ Quý Sương (cuối thế kỷ I), nhưng nơi đầu tiên điêu khắc tượng Phật là Gandhara (Kiên-đà-la) hay Mạt- thổ-la, hiện vẫn chưa xác định, nhưng giả thiết cho rằng bắt đầu điêu khắc ở vùng Gandhara thì hợp lý hơn, vì vào thời bấy giờ nghệ thuật khắc tượng Phật chịu ảnh hưởng phong cách điêu khắc tượng thần Hy Lạp. Gandhara vốn chỉ cho sông Ấn Độ và một vùng nhánh sông Kābul, nếu chúng ta lấy Bạch Hạ Ngõa làm trung tâm, thì phía tây từ miền bắc Afganistan, cho đến phía đông giáp khu vực Kashmir (Ca- thấp-di-la), tại khu vực này có lưu hành các tác phẩm mỹ thuật Phật giáo theo phong cách Hy Lạp, những tác phẩm mỹ thuật này còn được gọi là mỹ thuật Gandhara. Mỹ thuật Gandhara chủ yếu là tháp Phật và điêu khắc, hội họa không thấy có tác phẩm nào để lại. Nghệ thuật điêu khắc ở thời kỳ đầu (từ thế kỷ I đến thế kỷ III) chủ yếu là điêu khắc trên đá, ở thời kỳ cuối lại lấy việc nặn tượng làm trung tâm. Hiện nay tại Gandhara không còn một kiến trúc tháp Phật nào còn nguyên vẹn. Điểm đặc trưng của các tháp Phật còn lại ở đây là phần nền bên dưới và phần chóp có hình dạng của cái tán dù thì vẫn còn, nhưng phần giữa giống như cái bát úp bị thoái hóa, lan can và cửa tháp…không còn. Chung quanh nền tháp được điêu khắc chùa tháp hay tượng Phật, càng đẹp hơn lại có một tầng hình vuông nằm trên phần nền tháp. Cách thức xây dựng này cho thấy từ hình thức từ việc lễ bái tháp chuyển thành lễ bái tượng Phật. Về phương diện nghệ thuật điêu khắc, chứng tỏ chịu ảnh hưởng nghệ thuật điêu khắc của Hy Lạp, ngay cả cách trang phục, dung mạo cũng chịu ảnh hưởng theo phong cách Hy Lạp hay La Mã. Điêu khắc đá chủ yếu sử dụng loại đá gandhara màu đen xám có pha sắc xanh. Phong cách điêu khắc thời hậu kỳ đã xuất hiện khuynh hướng suy thoái, tuy nhiên thay vào đó xuất hiện một hình thức mới là nghệ thuật nặn tượng lại phát triển, đặc biệt là việc pha thêm màu sắc và sự mềm mại của nữ tính.

Nếu đúng từ góc độ vị trí địa lý, vùng Mathura rất dễ chịu ảnh hưởng từ vùng tây bắc, tuy nhiên mỹ thuật Mathura lại kế thừa mỹ thuật thời kỳ cổ đại, rất ít chịu ảnh hưởng nghệ thuật ở vùng Gandhara. Mỹ thuật Mathura chủ yếu là điêu khắc tượng Phật, hình thức thể hiện của nó có ảnh hưởng rất lớn đối với ngành điêu khắc của vương triều Cấp Đa về sau. Ngoài điêu khắc tượng Phật, mỹ thuật Mathura còn có rất nhiều bài minh, những bài minh này rất có ích cho việc tìm hiểu niên đại chế tác cũng như những sự thay đổi về hình thức của tác phẩm mỹ thuật. Cùng thời kỳ với mỹ thuật Mathura, ở phía nam có mỹ thuật Andhra (Án-đạt-la) vào thời kỳ cuối, tức là mỹ thuật điêu khắc của tháp Amarāvatī (A-ma-la-bà-đề), mỹ thuật này khác với mỹ thuật ở Gandhara, Mathura, điêu khắc Amarāvatī là trường phái bảo thủ giữ nguyên tắc không có tượng Phật của thời kỳ cổ đại, còn trường phái mới theo phong cách thể hiện có tượng Phật. Có người cho rằng, tháp được xây dựng theo trường phái bảo thủ là tháp của giáo đoàn Tiểu thừa, ngược lại là tháp của giáo đoàn Đại thừa, cả hai song song tồn tại cho đến ngày nay. Kế thừa hệ thống Amarāvatī có di tích tháp Phật ở thành Long Thọ (Nāgārjunakoṇḍa), cả hai tháp Phật này so với tháp Phật ở Sơn Kỳ trên hình thức chỉ khác nhau phương diện trang trí. Điểm đặc sắc mỹ thuật của thời kỳ Cấp Đa là các tự viện Phật giáo trong hang đá ở miền tây Ấn Độ, mỹ thuật điêu khắc tượng Phật này chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật điêu khắc ở Mathura, lấy tháp Phật làm trung tâm và xung quanh có xây tháp miếu và Tăng viện (Vihāra) là hình thức tự viện của Phật giáo vốn có từ xưa cho đến nay, nhưng tự viện trong hang đá bao gồm tháp viện (Caitya-gṛha, chế đa đường) và Tăng viện cấu thành, lại an trí tháp Phật trong tháp viện. Tự viện trong hang đá của Phật giáo đã được sáng lập từ trước thế kỷ thứ II, lúc ban đầu xây dựng tự viện với vật liệu bằng gỗ. Tháp viện là điện đường là nơi để cúng dường tháp Phật, được xây theo hình móng ngựa dài, các cột xếp theo thứ tự, chia thành gian trong và gian ngoài. Tăng viện đều có hình vuông, trên ba mặt tường có đào rất nhiều phòng nhỏ, làm nơi cư trú cho các vị Tỳ khưu. Tính chất tiêu biểu cho tự viện hang đá, có thể kể đến tự viện Ellora (Ca-la-la), được xây dựng rất qui mô và tráng lệ, rất nổi tiếng. Thời gian khai quật tự viện Ellora không rõ, có thể là vào cuối thế kỷ I. Kế đến, tác phẩm điển hình cho mỹ thuật thời Cấp Đa phải kể đến tự viện Ajanta. Tự viện hang đá này nằm ở vách đồi Indhyādrī, gồm 29 hang được đào vào vách đồi, phần ở chính giữa rất cổ xưa, hai bên thì không xưa mấy, hình thức cũng giống tự viện Ajanta. Bên trong tự viện Ajanta có 16 hang đá có tranh tường (bích họa), những bức bích họa này có thể chia làm ba thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất có thể là vào khoảng thời gian trước và sau Tây lịch, cho nên các bức bích họa đã bị hư hại nghiêm trọng, những bộ phận còn tồn tại cho đến ngày nay là rất ít. Thời kỳ thứ hai là từ thế kỷ V đến thế kỷ VI, thời kỳ thứ ba vào thế kỷ VII, bích họa hai thời kỳ này được bảo tồn tương đối tốt, chủ đề chính của những bích họa này là truyện Phật, truyện Bổn Sanh, sử dụng nhiều mô hình trang trí mỹ lệ, trong đó có mô tả tôn tượng chư vị Phật và Bồ Tát thuộc Phật giáo Đại thừa. Nhìn chung, phong cách của tranh phần nhiều là ảm đạm, nhưng lại được đề cử là di sản đỉnh cao nhất của hội họa Ấn Độ thời kỳ cổ điển. Trung tâm điêu khắc của thời kỳ Cấp Đa là Mathura, Varanasi (Lộc-dã-uyển) và Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), thịnh hành nhất là nghệ thuật điêu khắc ở Mathura. Tượng Phật thời kỳ này không đơn thuần mô tả thân tướng của đức Phật mà còn thể hiện gương mặt trầm tư của Ngài rất thành công, đồng thời qua cách thể hiện y phục, trang sức, cho thấy sự hoàn mỹ của nghệ thuật điêu khắc thời cổ đại. Với đôi mắt khép hờ nhìn xuống biểu hiện dung mạo an tường trầm lặng, xuyên qua lớp áo mỏng để lộ thân hình, dường như tà áo đang bay, nếp gấp của áo biểu hiện rất tự nhiên, có thể nói đây là tư thái điển hình về tượng Phật của thời kỳ này. Nghệ thuật điêu khắc tượng Phật ở thời kỳ Cấp Đa đã đạt đến đỉnh cao, nhưng về sau dần dần suy thoái, và tiếp theo sau đó là sự xuất hiện các tôn tượng của thời kỳ Mật giáo.Nghệ thuật điêu khắc của Phật giáo thời kỳ Mật giáo xuất hiện ở vùng Banladesh và Vihāra (Tỳ-ha-la) được chia thành hai trường phái là Magadha (Ma-kiệt-đà) và Ba-la. Chủ đề của điêu khắc thời kỳ này, ngoài việc áp dụng hình thức tượng Phật như đã nói ở trên, còn có cách hình tượng của Mật giáo như Tārā, Mañjuśrī (Văn-thù-sư-lợi), Marīci, thần Viṣṇu v.v… Từ thế kỷ X, tượng Phật Ba-la được tạo thành, là tác phẩm tiêu biểu tượng Bồ tát Tārā. Nghệ thuật điêu khắc của thời kỳ này, hình tượng mang tính cách Phật giáo dần dần ít đi, thậm chí mang đậm nét phong cách Ấn Độ giáo, điều đó khó phân biệt giữa Phật giáo và Ấn giáo. Về mặt nghệ thuật cũng cho thấy hiện tượng suy tàn của Phật giáo. Từ thế kỷ XI, sau nhiều lần Hồi giáo xâm lược Ấn Độ, vì tôn giáo này phủ nhận hình tượng tôn thờ, cho nên các tượng Phật và tự viện bị phá hoại nặng nề. Đến thế kỷ XIII, vận mệnh của mỹ thuật Phật giáo ở Ấn Độ đi đến hồi kết thúc. Miềm nam Ấn Độ không bị ảnh hưởng bởi các tín đồ Hồi giáo, từ thế kỷ IX rất thịnh hành việc chế tác tượng phật bằng đồng xanh, nhưng việc tạo tượng Phật rất ít.

Thích Hạnh Bình, Phương Anh dịch

bài viết cùng chủ đề

Leave a Comment

Are you sure want to unlock this post?
Unlock left : 0
Are you sure want to cancel subscription?
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00